Kỹ năng và năng lực chuyên môn rất quan trọng đối với thành công, song việc kết nối với đúng người có thể là một trong những cách tốt nhất để mang lại giá trị cho doanh nghiệp của bạn.

Nói cách khác, mối quan hệ chính là một loại tài sản. Đáng tiếc, chưa nhiều người biết cách thiết lập và xây dựng mối quan hệ một cách chuyên nghiệp. Đối với các doanh nhân, việc thiết lập một tập hợp mạnh mẽ những người trong và ngoài ngành hoạt động của bản thân là một trong những khoản đầu tư tốt nhất – là việc xứng đáng để bạn dành thời gian và công sức. Và, để xây dựng mạng lưới mối quan hệ mạnh mẽ, các doanh nhân có thể tham khảo những cách dưới đây:

 

1. Nuôi dưỡng các mối quan hệ

Trước khi mở rộng mạng lưới mối quan hệ của mình, hãy cố gắng nuôi dưỡng mối quan hệ với những người bạn đã biết. Một mạng lưới mối quan hệ không phải chỉ đơn giản là một bộ sưu tập danh thiếp. Mọi người thường chỉ hợp tác với những người mà họ biết, thích và tin tưởng. Nếu bạn chưa xây dựng được mối quan hệ thực sự, bạn sẽ không có được một mạng lưới mạnh mẽ. Và, không có lối tắt cho việc này!

Bạn cần dành thời gian với mọi người để làm quen với họ, hay để họ làm quen với bạn. Một buổi cà phê, trà, hoặc một bữa ăn với ai đó sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ kết nối trên mạng xã hội như Facebook hay LinkedIn. Bạn cũng có thể mời một nhóm nhỏ đi ăn trưa và làm quen với nhiều người cùng lúc. Tuy nhiên, cần tìm hiểu rõ để chắc chắn về sự phù hợp giữa họ với nhau, tránh sự gượng gạo làm hỏng không khí và mục đích cuộc gặp – vốn để mở rộng mối quan hệ.

2. Cho trước, nhận sau

Hãy tìm kiếm thiện cảm và xây dựng lòng tin trước khi bắt đầu “khai thác” từ các mối quan hệ. Hãy tìm cơ hội để chia sẻ hoặc trợ giúp mọi người về chuyên môn hoặc một lĩnh vực mà bạn biết rõ. Đó không nhất thiết phải là cái gì đó lớn lao hoặc liên quan trực tiếp đến kinh doanh, nhưng đôi khi chỉ là những thông tin về điểm du lịch mà họ đang định đến hoặc một cuốn sách hay mà bạn vừa đọc. Một chiến lược tuyệt vời khác là giới thiệu những người trong mạng lưới của mình với nhau.

3. Tận dụng mức độ kết nối thứ hai

Nếu chưa tìm thấy ai đó trong mạng lưới hiện hữu có thể giúp giải quyết vấn đề của mình ngay lập tức, đừng bỏ cuộc. Mỗi người trong mạng lưới của bạn sẽ biết nhiều người khác và họ có thể kết nối giúp bạn. Vì vậy, hãy chia sẻ với họ và nhờ họ kết nối. Điều này không chỉ giúp bạn có được lời giới thiệu nồng nhiệt, mà còn mang lại cho bạn bè của bạn sự tín nhiệm cho một lượt giới thiệu.

4. Tìm kiếm các liên kết yếu

Một trong những thách thức trong việc xây dựng mạng lưới quan hệ rộng là những người mà bạn quen biết cũng biết nhau. Bạn sẽ không có cơ hội mở rộng phạm vi quan hệ của mình trong tình huống ấy. Hãy tìm các liên kết yếu. Đó là những người mà bạn có thể không biết rõ, và bạn cũng chưa ở trong nhóm của họ. Mặc dù rất khó để tìm và kết nối với những người này hay tham gia những nhóm mới, nhưng đây là một trong những cách nhanh nhất để mở rộng mạng lưới của bạn.

5. Duy trì giao tiếp

Một khi đã có kết nối, hãy duy trì kết nối và thường xuyên chủ động giao tiếp. LinkedIn, blog, hay bất cứ công cụ mạng xã hội nào là những cách để bạn thường xuyên xuất hiện và nằm trong “tần sóng”. Nhưng cần lưu ý rằng, những nội dung mà bạn chia sẻ cần thực sự chất lượng, và nếu nó tạo ra giá trị cho cộng đồng thì càng tốt. Hãy cập nhật đều đặn, thường xuyên để mọi người biết bạn là ai và bạn đang làm gì.

Cuối cùng, cần biết rằng để phát triển một mạng lưới tốt, cần có thời gian và sự đầu tư. Bạn có thể phải dành nhiều năm cho việc này, và phải lên kế hoạch thực hiện một cách nghiêm túc. Nhưng bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng cho sự đầu tư này.