Ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết Bộ đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội. Nó giống như gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
Trước tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho thị trường.
Cụ thể, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết trên Báo Xây dựng, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề xuất tăng cường bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội. Nó giống như gói 30.000 tỷ đồng trước đây. Bởi hiện vốn theo Luật, Nghị định còn dành ít cho nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Ninh, Bộ sẽ đề xuất Ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất. Khi nhà ở xã hội phát triển sẽ thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng, nhân công, nội thất và kéo theo nhiều ngành nghề khác liên quan.
Bên cạnh gói giải pháp tổng thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tập hợp ý kiến nhà đầu tư, chuyên gia, các hiệp hội để đề xuất các giải pháp hỗ trợ riêng cho bất động sản. Bộ Xây dựng đánh giá: Bất động sản có đặc thù riêng, nhu cầu vẫn lớn và chịu ảnh hưởng ngắn hạn, ông Ninh thông tin thêm.
Được biết, gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường BĐS đã kết thúc từ năm 2016, hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn “kép” mong chờ những nguồn vốn hỗ trợ mới, gói tín dụng mới để kích cầu, giúp thị trường bình ổn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như thị trường có thêm những gói tín dụng mới cho phân khúc nhà giá rẻ như gói 30 nghìn tỷ cách đây vài năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn người lao động có cơ hội mua nhà ở, tạo nên hiệu ứng domino giúp vực dậy bất động sản và các ngành nghề liên quan.
Được biết, mới đây Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có những đánh giá tác động của dịch bệnh đối với thị trường. Theo đó, đánh giá nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức lớn với ngành bất động sản trong nước, làm sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp địa ốc.
Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng là khâu rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản đều bị hủy bỏ. Khách hàng cũng không đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin về dự án.
Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel) và bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề. Gần đây, nhiều mặt bằng thương mại đã bị khách thuê trả lại do nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì không có khách. Các căn hộ dịch vụ cho khách cư trú ngắn hạn, khách nước ngoài thuê để ở cũng bị trả do vấn đề hạn chế đi lại nên không còn khách du lịch, khách đi công tác…
Khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến thu nhập của đại bộ phận nhân dân, hoạt động mua bất động sản để ở hoặc đầu tư đang bị dừng. Đồng thời, sự sụt giảm thu nhập khiến khách hàng vay ngân hàng để đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới.
Thống kê của VNREA cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản đã phải chịu nhiều khoản chi phí cố định gồm lãi vay, chi phí đầu tư, vốn… Nay các doanh nghiệp địa ốc còn phải gánh thêm chi phí phát sinh trong mùa dịch như: Hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian…
Ngoài ra, tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
Theo Trí Thức Trẻ